Đà Lạt Mộng Mơ Trải qua nhiều biến động địa-chính trị mới có một Đà Lạt ngày nay. “Thành phố của mùa xuân vĩnh cửu”, “thành phố sương mờ”, “thành phố ngàn hoa”, “thành phố buồn”, thành phố dành cho những đôi uyên ương, cho tuần trăng mật, cho những tình yêu cách trở và những tâm hồn cần một khoảng lặng (để tìm lại mình, để nhìn thấy người, để chìm đắm trong những suy tưởng thời cuộc), v.v. Đà Lạt được yêu mến và trầm trồ bởi thiên nhiên và quy hoạch kiến trúc mang phong vị Châu Âu; điều này cộng hưởng với sự hoang sơ và hồn nhiên của các sắc dân thiểu số và nếp sống thu vén, cặm cụi của dân nhập cư từ các miền đã khiến hình thành nên một thành phố với tính cách khác biệt.
Hình ảnh Đà Lạt còn được dung dưỡng bởi những hoài cảm và niềm luyến nhớ quá vãng của những thân phận trong bầu không khí lịch sử đầy những biến chuyển, trái ngang và mơ hồ của thời đại “ngày ấy”. Khí hậu – thời tiết đóng vai trò rất lớn cho cả câu chuyện trên đây, nó tạo ra một khung cảnh khác, một lối sống khác, một trường thời gian khác, khá tách biệt với những vùng đất còn lại của một nước nhiệt đới. Với vẻ đẹp huy hoàng của phong cách Châu Âu, và những thuộc tính được gán cho: lãng mạn, mơ mộng, “Đà Lạt sẽ còn quyến rũ mọi người lâu dài, dường như nó gieo niềm hoài nhớ cho ngay cả một thế hệ trẻ Việt Nam, những người xem nó như một nơi chốn lãng mạn và thoát ly” (Eric T.Jennings – Đỉnh Cao Đế Quốc, 2011). Nhưng với cái nhìn truy nguyên về những ngày đầu hình thành của Đà Lạt thì: “Cảm nhận đương đại này, về nhiều mặt, là sự đứt đoạn với cảm nhận thực dân Pháp về Đà Lạt như một sự thay thế cho nước Pháp, một bản sao thu nhỏ của mẫu quốc” (Jennings, 2011). Mà nói như Jennings thì “Từ lúc khởi đầu, Đà Lạt đã đầy những trớ trêu và nghịch lý”. Những đoạn ngắt – gắn kết của một Đà Lạt ngày xưa đến một Đà Lạt ngày nay, của sự tính toán thực tế và tham vọng của chính quyền đến sự tưởng tượng thơ mộng và ảo ảnh có thực của cảm xúc cá nhân – là gì? Những niềm vui của tia nắng lạnh, của bầu trời xanh, của sương mờ dốc thông, của đỉnh Lang-Biang mây vờn, của mặt hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm lóng lánh nước cũng thật như giá đất đang sốt, khủng hoảng xử lý rác, xây cất trái phép, phá trộm rừng thông.
Với một vị thế “lơ lửng”, chất chứa những mâu thuẫn như vậy, Đà Lạt sẽ là một nơi thú vị để tổ chức tuần lễ nghệ thuật tiếp nối sự thành công của Nổ Cái Bùm ở cố đô Huế. Chương trình lần này do Cù Rú (Sao La) đăng cai, không nhằm để giải đáp cho những câu hỏi lớn, với kết cấu là một lễ hội cho nghệ sĩ và cho công chúng thưởng ngoạn, thông qua nghệ thuật và cùng nghệ sĩ, mong muốn chứng kiến những giây phút của hiện tại. Sự cộng hưởng, phản chiếu của môi sinh và lịch sử Đà Lạt với sự hiện diện của các nghệ sĩ và tác phẩm sẽ mang lại nhiều cảm xúc và soi rọi thêm những câu chuyện thời đại. Đồng thời ở một góc độ riêng tư hơn, chương trình sẽ có thiết kế như một chuyến du khảo dành riêng cho nghệ sĩ và những người quan tâm đến địa lý- xã hội của vùng đất này. Hy vọng ở một khoảng cách có thực 1500m cao độ và một khoảng cách siêu thực của thực tại mỗi nghệ sĩ, chương trình sẽ khơi gợi và mang lại cảm hứng cho “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”.